Du lịch khởi sắc hậu Covid-19, cửa sáng cho BĐS nghỉ dưỡng

Kích cầu du lịch nội địa đang tạo nên điểm nhấn cho phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng có cơ hội quay trở lại đường đua nhanh hơn. Với lợi thế ứng phó với dịch Covid-19 khá tốt, Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm đến an toàn cho du khách quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Theo nhiều chuyên gia, thế mạnh lớn nhất của Viêt Nam là còn nhiều dư địa để khai thác du lịch. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá – trải nghiệm vẫn có “cửa sáng” dù  ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Sau dịch bệnh, theo dự báo khách quốc tế sẽ bùng nổ ở thị trường du lịch Việt. Cùng với đó là xu hướng nhiều nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khiến lượng khách du lịch tăng trưởng mạnh.

Dù thời gian qua, ngành du lịch bị nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng đây cũng là cơ hội giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt bạn bè quốc tế, trở thành điểm đến không chỉ hấp dẫn mà còn an toàn nhất thế giới.

Sau “cơn mưa, trời lại sáng”, ngành du lịch đang nỗ lực để kích thích nhu cầu du lịch nội địa, và mở cửa du lịch quốc tế khi dịch bệnh được hoàn toàn khống chế. Đây vẫn là hi vọng lớn của ngành BĐS du lịch. Dù ở thời điểm hiện tại còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho hay, khảo sát tại 10 tỉnh thành phố biển cho thấy có 216 dự án phát triển du lịch với khoảng 140.000 sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng. Trong đó, mới có khoảng hơn 40.000 sản phẩm được đưa vào khai thác sử dụng, còn lại các dự án đều đang thực hiện, chuẩn bị triển khai.

Trong khi đó, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 80 triệu khách nội địa. Triển vọng du lịch Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 đạt ít nhất đạt 35 triệu khách du lịch quốc tế; 120 triệu khách du lịch nội địa. Đến năm 2030, Việt Nam đạt 50 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 160 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Để đáp ứng được mục tiêu thu hút khách du lịch này, Việt Nam cần đạt tối thiểu khoảng 400.000 phòng lưu trú. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, hiện cả nước mới đạt ngưỡng gần 100.000 phòng 3-5 sao, với 32.000 phòng chất lượng 5 sao; 31.000 phòng 4 sao và 33.000 phòng 3 sao. Như vậy, ngành du lịch còn cần thiết phải đầu tư phát triển mới khoảng 300.000 phòng lưu trú. Đây chính là cơ hội cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng phát triển.

Đánh giá về tiềm năng thị trường, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp BĐS Việt Nam cho rằng, nghỉ dưỡng còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào BĐS du lịch, nghỉ dưỡng nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông. Trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 – 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, và khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 – 4 ngày, du lịch Việt Nam cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm.

Con theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB) trả lời trên báo chí trước đó, thì để phát triển lâu dài thì BĐS du lịch cần đi đúng hướng. Cụ thể, các CĐT nên tích cực trong việc phát triển các sản phẩm BĐS du lịch mới. Trong đó, yêu cầu đổi mới, tạo trải nghiệm trong thiết kế các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng hướng tới đa trải nghiệm cho du khách và tạo ra “dấu ấn riêng” mang đến những giá trị thật cho nhà đầu tư.

Dưới góc độ của chuyên gia, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotel Châu Á Thái Bình Dương cho rằng, ngành du lịch của Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển vượt bậc. Hầu hết các khách sạn đều đạt công suất cao trong thời gian qua, thúc đẩy việc xây dựng các dự án mới. Thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.

Đây là cơ sở để tin tưởng vào tương lai ngành BĐS nghỉ dưỡng khi mà Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc kiểm soát sự lây lan. Theo vị chuyên gia này, yếu tố quan trọng nhất giúp BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam có sức cạnh tranh trong khu vực là mức giá hợp lý và giá trị sản phẩm tốt

So sánh của Vietnam Capital Partners cho thấy, giá bất động sản nghỉ dưỡng như căn hộ hướng biển hay villa hướng biển ở Phuket hay Bali cao gấp hàng chục lần so với những nơi như ở Đà Nẵng, Phú Quốc hay Nha Trang ở Việt Nam. Đây là những yếu tố giúp bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, được dự báo sẽ bùng nổ trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định, các chủ đầu tư hiện nay quá chú trọng vào các cơ hội thị trường trong ngắn hạn và chủ yếu phát triển các sản phẩm phục vụ tăng trưởng nhu cầu phòng. Thị trường đang thiếu sự đa dạng các loại hình sản phẩm do việc lặp lại các mô hình đã hiện hữu, thay vì nắm bắt các xu hướng và mô hình mới.

“Ngành du lịch nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất nhanh với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với như cầu của khách hàng trong trung và dài hạn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo CafeF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *